TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA THAM DỰ CHƯƠNG TRÌNH “BỘ TRƯỞNG GẶP GỠ NHÀ GIÁO, CÁN BỘ QUẢN LÝ, NHÂN VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC”
Chiều ngày 15/8/2022, tập thể cán bộ quản lý và giảng viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã tham dự chương trình "Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục". Buổi gặp mặt được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), kết nối với hơn 400 điểm cầu của các đại học, học viện, trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước.
Tham dự tại điểm cầu chính có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc; Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân; Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức; Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy; đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT; Công đoàn Giáo dục Việt Nam; các cục, vụ thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm...
Ban tổ chức điều hành chương trình tại điểm cầu chính (Bộ Giáo dục và đào tạo)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại Buổi gặp gỡ
Tại điểm cầu Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa có sự tham dự của PGS.TS Lê Thanh Hà - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Vũ Văn Tuyến - Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường; các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng ủy, Ban Giám hiệu; Trưởng, phó các đơn vị , đoàn thể trong Nhà trường; Trưởng, phó các Bộ môn và tương đương.
PGS.TS Lê Thanh Hà - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường chủ trì tại điểm cầu Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
Ảnh toàn cảnh tại điểm cầu Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
Phát biểu mở đầu chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ vui mừng khi lần đầu tiên được gặp gỡ phần đông các nhà giáo, các cán bộ, giảng viên, nhân viên các cơ sở giáo dục đại học công lập, ngoài công lập trên cả nước. Bộ trưởng chia sẻ: "Đây là cơ hội để Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT và các nhà giáo có thể trao đổi thẳng thắn, bày tỏ ý kiến về những vấn đề cùng quan tâm, những vấn đề nóng, vướng và khó của ngành, đặc biệt là hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học và của các nhà giáo. Các thầy cô có thể bày tỏ những vấn đề liên quan tới giáo dục đại học nói riêng và giáo dục, đào tạo nói chung. Vì các thầy cô vừa là nhà giáo, vừa là nhà khoa học, là phần lớn đội ngũ trí thức của đất nước và là các chuyên gia trong hầu hết các lĩnh vực. Xin sẵn sàng đón nhận ý kiến, sự quan tâm, tầm nhìn, trí tuệ của các thầy cô".
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã nghe báo cáo tổng hợp các ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, báo cáo nêu rõ: Để chuẩn bị cho Chương trình, thông qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp nhận hơn 6.500 ý kiến; trong đó có hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học. Các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; Nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; Chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; Chế độ chính sách đối với nhà giáo; Cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới ...
Trong khuôn khổ của chương trình, nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên phát biểu ý kiến, kiến nghị đã tập trung vào các nội dung sau: Cần có chế độ, chính sách lương, phụ cấp ưu đãi... phù hợp đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên và nhân viên ngành giáo dục; Chế độ chính sách trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; Vấn đề tự chủ đại học, tự chủ học thuật; Vai trò đạo đức của nhà giáo; Chính sách riêng cho các ngành đặc thù, các điểm nghẽn trong giáo dục đại học...
Sau khi nghe các ý kiến, đề xuất, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trực tiếp giải đáp, trao đổi các ý kiến thuộc lĩnh vực của ngành và sẽ tham mưu, làm việc với các ban, ngành liên quan để xây dựng khung chính sách, chiến lược phù hợp đối với hệ thống GD&ĐT trong thời gian tới.
Phát biểu bế mạc chương trình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những đóng góp to lớn của các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên các cơ sở giáo dục đại học trong sự nghiệp giáo dục của nước nhà; đồng thời, nêu rõ một số định hướng, nhiệm vụ của ngành giáo dục, đào tạo; những chủ trương lớn của ngành như: Sớm tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn trong quá trình đổi mới giáo dục đại học để tự chủ; Xây dựng chính sách phát triển nguồn giảng viên; Luật Nhà giáo; Phát hiện, bồi dưỡng nhân tài; Chuyển giao khoa học, công nghệ; Ngành đặc thù...
Trong không khí thân mật của buổi gặp mặt, Bộ trưởng đã gửi thông điệp tới các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên: "Chúng ta phải kiên định với con đường, mục tiêu đổi mới và định hướng chiến lược. Cần kiên trì trên phương diện thuyết phục, vận động sự cảm thông, chia sẻ từ xã hội và đồng hành của xã hội, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Cần kiên quyết chống tiêu cực, bệnh hình thức, thành tích và chống tinh thần phản nhân văn, phản tự do trong phát triển các cơ sở giáo dục đại học; kiên quyết với mục tiêu chất lượng, phát triển con người, phát triển khoa học công nghệ. Chúng ta cũng cần kiên trinh với nghề dạy học, vinh quang của nghề nghiệp; cần vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt".
- VỊ TRÍ VIỆC LÀM NGÀNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
- NGHỀ LUẬT SƯ
- TUẦN SINH HOẠT CÔNG DÂN KHÓA 13
- ĐẢNG BỘ ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH THANH HÓA THAM GIA CUỘC THI: "HỌC TẬP DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH"
- GIỚI THIỆU VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
- NGÀNH LUẬT CỦA TUCTS VÀ NHỮNG ĐIỀU BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM
- CHỌN NGÀNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA TUCST LÀ NGUYỆN VỌNG 1 - TẠI SAO KHÔNG?
- CHỌN NGÀNH LUẬT CỦA TUCST LÀ NGUYỆN VỌNG 1 - NGÀNH HỌC CHO TƯƠNG LAI RỘNG MỞ
- KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC - ĐẠI HỌC VHTTDL THANH HOÁ - XÉT TUYỂN HỌC BẠ THPT VÀO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY
- QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC – NGÀNH HỌC CHO TƯƠNG LAI RỘNG MỞ